image banner
Bổ sung đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu mới ban hành

Luật Đấu thầu năm 2023 được Quốc hội XV thông qua tại Kỳ họp lần thứ 5, Luật này có 10 Chương, 96 Điều, có các điểm mới được sửa đổi, bổ sung như sau:

-  Bổ sung đối tượng áp dụng: Theo khoản 2 Điều 2 Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung đối tượng áp dụng là hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện: (1) Các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; (2) Gói thầu trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật, máy móc, thiết bị hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước.

- Sửa quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu trong đó bổ sung thêm quy định: (1) Nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với quản lý dự án, giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế; (2) Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các nhà thầu tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế;

Đồng thời, Luật hóa tiêu chí đánh giá độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính của nhà thầu.

- Quy định chi tiết mức bảo đảm dự thầu đối với lựa chọn nhà thầu.

- Bổ sung trường hợp không được hoàn trả bảo đảm dự thầu đối với: Nhà thầu không tiến hành/từ chối thương thảo hợp đồng (nếu có) trong thời hạn 05 ngày làm việc đối với đấu thầu trong nước và 10 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày nhận được thông báo mời thương thảo hợp đồng hoặc đã thương thảo hợp đồng nhưng từ chối hoàn thiện, ký kết biên bản thương thảo hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng.

Đồng thời, rút ngắn thời hạn hoàn trả bảo đảm dự thầu còn 14 ngày.

- Bổ sung hành vi bị cấm trong đấu thầu, gồm: (1) Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu (trong thông thầu); (2) Hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng (trong cản trở đấu thầu).

- Bổ sung trường hợp được chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp.

- Điều 29 Luật đã đưa ra quy định cụ thể về lựa chọn nhà thầu trong các trường hợp đặc biệt. Việc luật hóa này giúp đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả trong quá trình lựa chọn nhà thầu trong các tình huống đặc biệt. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

- Đấu thầu qua mạng được áp dụng với tất cả các gói thầu từ năm 2025: Theo điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Đấu thầu 2023: "Từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, áp dụng đấu thầu qua mạng đối với tất cả các gói thầu, trừ trường hợp không đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại khoản 5 Điều 50." 

Đáng lưu ý, Điều 57 Luật này quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo đó, việc lựa chọn nhà thầu thực hiện theo chương II Luật như các gói thầu khác không quy định riêng hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công như Luật Đấu thầu năm 2013. Theo đó, khoản 1 Điều 57 quy định lĩnh vực thông tin và truyền thông cũng là sản phẩm, dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

Luật Đấu thầu sửa đổi với rất nhiều điểm mới bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật liên qua, là cơ sở pháp lý quan trọng để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời ngăn chặn tiêu cực tham nhũng trong hoạt đồng đấu thầu trong thời gian qua.

Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.

Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông

TIN MỚI NHẤT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0