image banner
Nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân trong việc chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông để phòng tránh tai nạn giao thông

Trước tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố đang có chiều hướng gia tăng với những diễn biến hết sức phức tạp, chiều 29/11, trên Cổng Thông tin điện tử thành phố, Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố Nguyễn Văn Luyến đã cuộc Đối thoại cung cấp các thông tin liên quan đến việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Quang cảnh cuộc Đối thoại.

Cùng dự cuộc Đối thoại có Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Trần Huy Kiên – Phó Trưởng ban Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử thành phố; đại diện Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, cùng một số cơ quan Báo chí.

Theo Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố Nguyễn Văn Luyến, thời gian qua vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm về tốc độ và xử phạt qua hình ảnh (phạt nguội) mang lại nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên mục tiêu kéo giảm TNGT trên địa bàn thành phố chưa đạt, tăng cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố Nguyễn Văn Luyến thông tin về tình hình TNGT trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.

Còn nhiều hạn chế trong ý thức chấp hành pháp luật về giao thông lứa tuổi thanh niên, học sinh và sinh viên

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2022, Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố cho biết, nguyên nhân chủ yếu hiện nay do phương tiện giao thông liên tục tăng, đặc biệt là lượng xe container, xe tải nặng…Tổng số phương tiện thành phố đang quản lý hiện nay: 238.604 ôtô, trong đó có 16.363 đầu kéo, 18.687 rơ mooc; 1.431.201 môtô; 158.944 xe máy điện. So với cùng kỳ năm 2022, ô tô tăng 12.392 xe = 5,48%; mô tô tăng 42.657 xe = 3,07%; xe máy điện tăng 11.568 xe = 7.85%. Trong khi đó, hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập chưa đáp ứng được nhu cầu, cụ thể trên các tuyến QL do Trung ương quản lý hiện nay vạch sơn kẻ đường đã mờ, không rõ ràng, tiêu phản quang mờ không còn tác dụng; trên đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường sắt còn một số vị trí mất ATGT chưa được xử lý kịp thời… Cùng với đó, thành phố đang triển khai thi công nhiều công trình, nhiều KCN hoạt động thu hút lượng lớn nhân công từ các tỉnh khác về, phần lớn các KCN đều tập trung gần các đường giao thông huyết mạnh, các QL có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao.

Đặc biệt, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế; nhất là lứa tuổi thanh niên, học sinh, sinh viên; một số vụ TNGT tự gây, liên hoàn chủ yếu do kỹ năng người điều khiển (thiếu kinh nghiệm thực tế, xử lý phán đoán sai) hoặc do mất kiểm soát (do sự cố kỹ thuật). Tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, không chú ý quan sát, sai phần đường, làn đường cho phép,.. còn diễn ra khá phổ biến; hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn vẫn còn tồn tại.

Bàn về các giải pháp để kéo giảm TNGT trong thời gian tới, Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố nhấn mạnh đến 5 giải pháp trọng tâm: Theo đó, tiếp tục  tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT; tăng cường quản lý đối với hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, tập trung kiểm tra, rà soát, xử lý “xe dù, bến cóc”, kiểm tra “xe trung chuyển, xe hợp đồng trá hình tuyến cố định”, hoạt động vận tải hàng hoá bằng xe container...; kiểm tra, chấn chỉnh và tổ chức khám sức khỏe đối với người lái xe; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hoạt động vận tải khách đường thủy nội địa; tăng cường quản lý, bảo dưỡng hạ tầng giao thông; tổ chức giao thông khoa học, phù hợp với hạ tầng hiện có, chủ động rà soát, sửa chữa các điểm mất ATGT; tiếp tục vận hành, khai thác hiệu quả hạ tầng, hệ thống camera “phạt nguội” cũng như tuyên truyền, thông báo rộng rãi việc xử lý “phạt nguội” qua hệ thống camera giám sát cho người dân được biết; đồng thời, tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự ATGT, tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến: nồng độ cồn, ma tuý, chở hàng hoá quá tải trọng, vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm, sử dụng điện thoại khi lái xe, lượn lách đánh võng, đua xe trái phép, tuần tra, kiểm soát các tuyến đường có mật độ giao thông cao, thường xuyên ùn tắc và TNGT: QL.5, QL.10, QL.17B, ĐT.353, ĐT.356, ĐT.359....; ra quân chấn chỉnh, rà soát, xử lý các vi phạm về trật tự đường hè, hành lang an toàn giao thông tại các địa phương.

Phóng viên Hoài Thương - Kênh Giao thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng nêu vấn đề liên quan đến tình trạng ùn tắc giao thông.

Thiếu bãi, khu vực đậu đỗ xe ô tô là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ách tắc giao thông

Thông tin về tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, theo Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố, Hải Phòng là thành phố đầu mối giao thông quan trọng, hội tụ đầy đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, là Cảng cửa ngõ quốc tế lớn nhất miền Bắc với lượng hàng hóa thông qua cảng ngày càng tăng. Thời gian qua, thành phố đã được Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo các QL, mở rộng nhiều tuyến tỉnh lộ, đường nội thành, nhưng do tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa, nhiều KCN mới được hình thành, các loại phương tiên giao thông hàng năm đều tăng nhanh, nhất là phương tiện giao thông đường bộ, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong công tác phòng ngừa, giải quyết tình trạng ùn tắc và TNGT.

Cụ thể, nguy cơ ùn tắc và tiềm ẩn TNGT cao là đối với các tuyến đường thường xuyên có xe container, các tuyến đường QL đi qua địa bàn thành phố và một số tuyến đường tỉnh, đường đô thị có mật độ giao thông cao như: QL.5, QL10, ĐT.351, ĐT.353, ĐT.359, NVL, NBK, Tôn Đức Thắng, Bùi Viện, Lê Thánh Tông... Việc thiếu các bãi, khu vực đậu đỗ xe ô tô, nhất là tại khu vực trung tâm thành phố cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng ách tắc, mất trật tự ATGT…Tuy nhiên với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, trên địa bàn thành phố không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào thành phố.

Đại biểu tham dự cuộc Đối thoại cung cấp thông tin.

Trước tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về ATGT còn diễn ra phổ biến với các hành vi như: vượt ẩu; đánh võng, lạng lách; vượt đèn đỏ; không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy tham gia giao thông… Theo số liệu thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2023, TNGT liên quan trẻ em, thanh thiếu niên xảy ra 19 vụ, chết 07, bị thương 20 người.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Luyến cho biết, Ban ATGT thành phố đã có nhiều văn bản đề nghị các ngành chức năng, chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục về ATGT. Lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền là Đoàn Thanh niên, Công an thành phố, Sở GD&ĐT với định hướng tuyên truyền tăng tính chủ động, sáng tạo, lồng ghép với các phong trào, các hoạt động của nhà trường. Cần tập trung tuyên truyền kỹ năng, truyền đạt kinh nghiệm thực tế khi tham gia giao thông để cho học sinh, sinh viên tự bảo vệ bản thân. Đối với các bậc phụ huynh học sinh phải nêu gương cho con em bằng việc chấp hành tốt các quy định về ATGT; trang bị đẩy đủ mũ bảo hiểm cho học sinh đến trường; không cho học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có bằng lái phù hợp.

 

 

 

Nhà báo Mai Thụy Lâm - Báo Hải Phòng trao đổi thêm một số thông tin liên quan đến công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn thành phố tại cuộc Đối thoại.

Sớm triển khai các Dự án đầu tư xây dựng các đường ngang có cảnh báo tự động, kết hợp cần chắn tự động

Liên quan đến công tác đảm bảo ATGT đường sắt tại các lối đi tự mở, Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố thông tin, trên địa bàn thành phố hiện còn tồn tại 25 vị trí lối đi tự mở (LĐTM) qua đường sắt thuộc diện phải xóa bỏ trong giai đoạn đến năm 2025, trong đó: địa bàn huyện An Dương còn 19 LĐTM (xã Lê Thiện 09 LĐTM, xã Đại Bản 07 LĐTM, xã Tân Tiến 03 LĐTM), địa bàn quận Hồng Bàng còn 06 LĐTM (phường Hùng Vương 01 LĐTM, phường Sở Dầu 02 LĐTM).

Vừa qua, Ban ATGT thành phố đã phối hợp với UBND huyện An Dương bố trí 08 tình nguyện viên thực hiện cảnh giới, chốt gác tại 08 vị trí lối đi tự mở là vị trí nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra mất ATGT. Tuy nhiên, các tình nguyện viên chỉ cảnh giới trong khoảng thời gian từ 6 giờ - 21 giờ hàng ngày trong khi các tàu chở hàng vẫn chạy vào ban đêm và đã xảy ra nhiều vụ TNGT ngoài khung giờ có tình nguyện viên làm nhiệm vụ.

Trước tình hình đó, Ban ATGT đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam hỗ trợ lắp đặt điện thoại và trang thiết bị phục vụ cảnh giới theo quy định. Tăng cường thông tin liên lạc, thông báo giờ tàu chạy, kế hoạch chạy tàu trong ngày thường xuyên, liên tục cho tình nguyện viên làm nhiệm vụ cảnh giới, chốt gác của địa phương. Huyện An Dương bố trí tình nguyện viên làm nhiệm vụ cảnh giới, chốt gác tại lối đi tự mở 24/24 giờ trong ngày, ưu tiên vị trí có nguy cơ mất ATGT cao tại Km87+400; cải tạo dốc dọc, vuốt nối êm thuận đoạn đường bộ đoạn giao cắt với đường sắt, bố trí bổ sung biển báo, vạch sơn gờ giảm tốc, gồ giảm tốc, và các báo hiệu đường bộ cần thiết khác để đảm bảo an toàn giao thông tại lối đi tự mở; tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật ATGT đường sắt, quy tắc giao thông khi đi qua vị trí giao cắt đường bộ - đường sắt cho người dân. Về lâu dài, cần sớm triển khai các Dự án đầu tư xây dựng đường gom và hàng rào ngăn cách giữa đường bộ và đường sắt để xóa bỏ lối đi tự mở. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai các Dự án đầu tư xây dựng các đường ngang có cảnh báo tự động, kết hợp cần chắn tự động tại 08 vị trí trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Tại cuộc Đối thoại, Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố cũng thông tin về kết quả xử lý vi phạm các quy định của pháp luật về ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải qua thông tin từ thiết bị giám sát hành trình. Theo đó, đến tháng 11/2023, Sở GTVT đã cấp 1.089 giấy phép kinh doanh vận tải, cấp 7.192 phù hiệu các loại cho các phương tiện vận tải; đã ban hành 08 Quyết định thu hồi phù hiệu đối với 629 phương tiện thuộc 434 đơn vị do vi phạm tốc độ.

Về triển khai thực hiện quy định về lắp camera trên xe kinh doanh vận tải của tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Văn Luyến cũng cho biết thêm, thực hiện Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã quy định “Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera”, đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông, dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được truyền về máy chủ của Cục Đường bộ Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải của Cục Đường bộ Việt Nam đã tạm dừng hoạt động kể từ ngày 24/12/2022.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố số lượng phương tiện phải lắp camera hành trình là 13.579 xe, trong đó: xe khách tuyến cố định: 429 xe; xe hợp đồng (từ 9 chỗ trở lên) 2.854 xe; xe du lịch (từ 9 chỗ trở lên) 85 xe; xe buýt 98 xe; xe container 12.875 xe; xe đầu kéo 92 xe…

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử thành phố

TIN MỚI NHẤT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0