Tổ chức chính quyền đô thị tại Hải Phòng: Tăng tính chủ động, hiệu quả quản lý, tạo đột phá trong phát triển (Kỳ 2)
Triển khai chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị, thực hiện chỉ đạo sát sao của Chính phủ, thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ xây dựng, trình Chính phủ đề án tổ chức chính quyền đô thị. Đề án được xây dựng theo hướng không tổ chức HĐND các quận và phường trên địa bàn thành phố, thời gian thực hiện bắt đầu từ nhiệm kỳ 2026-2031; hoàn thiện cơ cấu tổ chức của HĐND thành phố theo hướng tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách. Đồng thời, quy định thành phố Thủy Nguyên là một cấp chính quyền gồm có HĐND và UBND thành phố, đề xuất thành lập Ban Đô thị thuộc HĐND thành phố Thủy Nguyên; tăng số lượng Phó chủ tịch UBND của thành phố thuộc thành phố, quận, phường so với quy định hiện hành.

Tổ chức chính quyền đô thị giúp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành. Trong ảnh: Cán bộ bộ phận “một cửa” UBND huyện An Dương tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: MINH CHÂM
Kỳ 2: Hướng tới tinh gọn, phát huy cao tính tự chủ
Đề xuất không tổ chức HĐND cấp quận, phường
Về thực tiễn, Hải Phòng là 1 trong 10 địa phương đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26 năm 2008 của Quốc hội khóa 12. Thời gian triển khai hơn 1 nhiệm kỳ chưa đủ dài để có thể đánh giá đầy đủ, chính xác mặt được và chưa được của việc thực hiện thí điểm, song từ thực tiễn hoạt động của bộ máy chính quyền nói riêng và của hệ thống chính trị nói chung ở 14 quận, huyện và 70 phường thực hiện thí điểm trên địa bàn thành phố cũng đạt những kết quả nhất định.
Từ việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đạt được kết quả tích cực, thể hiện tính ưu việt của mô hình, tại Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu năm 2025 thành phố Hải Phòng xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trong số nhiệm vụ, giải pháp có việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp và hai cấp hành chính. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật được sửa đổi, bổ sung, ngày càng đồng bộ, nhất là Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND quận, phường và tháo gỡ vướng mắc, khắc phục hạn chế, bảo đảm sự linh hoạt, thông suốt trong quá trình vận hành.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, từ kết quả thí điểm của Hải Phòng trước đây, cũng như thực tiễn tại 3 thành phố được Quốc hội quyết định triển khai tổ chức chính quyền đô thị (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh), việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị theo phương án không tổ chức HĐND quận, phường sẽ đạt được mục tiêu tinh gọn, đổi mới mạnh mẽ và hoạt động linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công trên địa bàn thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND quận, phường giúp xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả cao trong quản lý, điều hành. Về lợi ích kinh tế, việc tinh giản biên chế khi không tổ chức HĐND quận, phường sẽ tiết kiệm được phần chi ngân sách hằng năm hàng chục tỷ đồng cho hoạt động của HĐND và phụ cấp các đại biểu HĐND ở quận, phường. Bộ máy chính quyền thành phố gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn; nhân sự của UBND quận và UBND phường đều thực hiện chế độ bổ nhiệm nên thuận lợi hơn trong chỉ đạo, điều hành công việc hành chính trên toàn địa bàn đô thị, linh hoạt hơn trong công tác cán bộ…. Nhiệm vụ, vai trò của HĐND thành phố, UBND các cấp sẽ tăng lên, tập trung, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như giải quyết khó khăn, vướng mắc để phát triển thành phố, nhất là ở các lĩnh vực quy hoạch đô thị, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp..., nhờ quá trình xử lý sẽ hiệu quả, kịp thời hơn so với hiện nay do liên quan đến thẩm quyền của nhiều cấp, nhiều cơ quan.
Ngoài ra, việc triển khai mô hình chính quyền đô thị gắn với xây dựng thành phố thông minh sẽ giúp cơ quan hành chính tích cực, chủ động điều hành, cải cách hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến mạnh mẽ, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Đây là những yếu tố quan trọng nâng cao chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, góp phần thu hút đầu tư, tạo đòn bẩy tích cực trong phát triển kinh tếxã hội.
Hoàn thiện cơ cấu bộ máy phù hợp đặc thù đô thị lớn
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, xác định vai trò, vị thế quan trọng của thành phố Hải Phòng, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng- an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận 96-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 30- 9-2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị khóa 12 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Về xây dựng huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố, Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, Quyết định số 323/QĐ-TTg và Quyết định số 1516/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã định hướng tính chất là khu đô thị mới gắn với trung tâm hành chính, chính trị mới của thành phố Hải Phòng; trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch văn hóa và giải trí, y tế, giáo dục, trung tâm nghề cá vùng duyên hải Bắc bộ. Trên cơ sở này, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua hồ sơ đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hải Phòng, trong đó có thành lập thành phố Thủy Nguyên.
Theo đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả của một đô thị có vị trí, vai trò chức năng riêng biệt, khác với các quận, huyện khác của thành phố Hải Phòng, ngoài quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND thành phố Thủy Nguyên, cần thiết đề xuất cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND thành phố này cho phù hợp, nhằm thực hiện hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND trong lĩnh vực đô thị, nâng cao chất lượng chất vấn, phản biện chuyên sâu đối với các vấn đề thực tiễn phát sinh về xây dựng và phát triển đô thị của thành phố thuộc thành phố. Đồng thời, giảm bớt áp lực công việc cho Ban Đô thị của HĐND thành phố Hải Phòng trong việc giám sát các nội dung liên quan đến đô thị tại thành phố thuộc thành phố khi tổ chức chính quyền đô thị. Vì thế, để phát huy vai trò giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Hải Phòng quy định việc thành lập Ban Đô thị HĐND thành phố Thủy Nguyên. Đây là yêu cầu cần thiết, phù hợp thực tiễn, để thực hiện công tác giám sát về lĩnh vực đô thị, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chất vấn, phản biện chuyên sâu về các vấn đề khó khăn, bức xúc của cử tri, kịp thời báo cáo HĐND thành phố Thủy Nguyên để xử lý, từ đó nâng cao vai trò, vị thế của HĐND thành phố Thủy Nguyên.
Bên cạnh đó, trong điều kiện không tổ chức HĐND quận, phường, các nhiệm vụ quyền hạn trước đây do HĐND quận, phường thực hiện sẽ chuyển cho các cơ quan khác thực hiện, trong đó có UBND thành phố thuộc thành phố, quận, phường, sẽ tăng thêm nhiệm vụ đối với các cơ quan này. Vì vậy cần thiết phải tăng số lượng Phó chủ tịch UBND của thành phố thuộc thành phố, quận, phường để bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, toàn diện các công việc của UBND tại các địa bàn. Đề án đưa ra giải pháp tăng thêm 1 phó chủ tịch UBND và thành lập Ban Đô thị của HĐND thành phố thuộc thành phố; tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách để bố trí các chức danh trưởng ban, phó trưởng ban chuyên trách Ban Đô thị của HĐND thành phố thuộc thành phố. Bố trí số lượng phó chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố không quá 4 người; phó chủ tịch UBND quận có không quá 3 người và phó chủ tịch UBND phường không quá 2 người. Số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và phó chủ tịch UBND tăng thêm được bố trí từ số biên chế giảm do không bố trí từ các chức danh chuyên trách HĐND quận, phường nên không phát sinh tăng tổng biên chế trong hệ thống chính trị của thành phố. Quy định này cũng tương đồng với quy định tại Nghị quyết số 131/2020/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.